Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Vay tiền phải mua kèm bảo hiểm ???

Vừa qua, tôi được Ngân hàng (NH) BIDV (Chi nhánh TP.HCM, 138 Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM) đồng ý cho vay vốn (670 triệu đồng) để mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, niềm vui của tôi không trọn vẹn khi NH đưa ra bốn điều kiện buộc tôi thực hiện đầy đủ mới được NH giải ngân.

Thứ nhất, mua bảo hiểm BIC Bình An (là một loại bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm tai nạn theo thời hạn vay vốn) cho khoản vay, phải đóng ngay cho hai năm (tính ra khoảng 2 triệu đồng/năm). Thứ hai, mua bảo hiểm cho căn hộ gọi là bảo hiểm nhà tư nhân sau khi nhận bàn giao (tính ra khoảng 1,2 triệu đồng/năm).Thứ ba, nộp phí cấp tín dụng khoảng 1,1 triệu đồng. Thứ tư, sử dụng các sản phẩm dịch vụ tại BIDV.
bao hiem khoan vay

Tôi nhẩm tính các khoản tôi phải nộp trên đã lên đến khoảng 6,5 triệu đồng, chưa kể các khoản phí khác như phí công chứng hợp đồng… Sau khi nghiên cứu, tôi thấy NH đưa ra những điều kiện trên là không phù hợp.

Thứ nhất, nếu so với mức phí bảo hiểm được cung cấp bởi một số công ty bảo hiểm mà tôi liên hệ, mức phí của BIC Bình An mà BIDV đưa ra là khá cao, lại không cho phép khách hàng mua bảo hiểm công ty khác, trong khi đó chưa chắc sản phẩm này là cần thiết.

Mặt khác, nếu rủi ro có xảy ra đối với người vay, NH vẫn có thể cùng chủ đầu tư xử lý căn hộ thế chấp theo hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp. Chưa kể khoản vay chỉ được giải ngân trực tiếp cho chủ đầu tư theo từng tiến độ và người vay đã phải trả trước cho chủ đầu tư 20% giá trị căn hộ, cùng với khoản vốn và lãi được trả hằng tháng cho NH. Trong trường hợp này, khó có thể nói quyền lợi NH không được đảm bảo khi có rủi ro xảy ra đối với người vay.

Thứ ba, khoản phí cấp tín dụng cũng là khá cao. Theo giải thích từ cán bộ tín dụng, đây là phí NH thu để phục vụ cho việc giải quyết các công việc hành chính liên quan xét duyệt cho vay (không phải phí định giá tài sản) như in hợp đồng… Tôi thiết nghĩ nếu có thì chỉ mang tính tượng trưng ở mức vài trăm ngàn, không thể hơn 1 triệu đồng.

Thứ tư, Thông tư 05/2011 của NHNN quy định: Tổ chức tín dụng không được thu các loại phí liên quan đến khoản cho vay đối với khách hàng, trừ các khoản phí như phí trả nợ trước hạn, phí thu xếp liên quan cho vay hợp vốn và những loại phí được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật liên quan cho vay. Hiện chưa thấy văn bản nào quy định các loại phí liên quan cho vay mà tổ chức tín dụng được phép thu.

Đối tượng đi vay là những người thuộc diện mua nhà ở xã hội, không đủ khả năng tài chính nên mới được hỗ trợ bởi chính sách của Nhà nước thì tại sao lại bị buộc phải đóng thêm những khoản phí cao để khó khăn càng khó khăn hơn. Và điều tôi không bằng lòng nữa là khi tôi đề nghị điều chỉnh hợp đồng sao cho hợp lý thì cán bộ NH tiếp tôi bảo: Nếu đồng ý thì ký hợp đồng, còn nếu không đồng ý thì thôi!

Chỉ khuyến khích, không bắt buộc mua bảo hiểm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề bạn đọc nêu trên, ông Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp của chủ tịch HĐQT BIDV, khẳng định không có điều kiện bắt buộc cho khách hàng mà chỉ là khuyến khích. Cụ thể là khuyến khích việc mua bảo hiểm BIC Bình An, khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm căn hộ, khuyến khích sử dụng các dịch vụ từ BIDV… Nếu nhân viên NH ép mua là nhân viên sai hoặc có sự hiểu lầm ở đây. Tuy nhiên, việc thu nộp phí cấp tín dụng là quy định bắt buộc của NH. Chi phí này bao gồm nhiều chi phí như kiểm tra thông tin nợ xấu trên CIC, phí…

Một lãnh đạo BIDV Chi nhánh TP.HCM có phòng giao dịch nơi khách hàng nêu trên vay tiền, cho biết riêng chi nhánh đã triển khai rất tích cực việc cho vay gói 30.000 tỉ đồng mua nhà ở xã hội. NH đều khuyến khích khách hàng chứ không ép buộc. Riêng với việc mua bảo hiểm căn hộ thì đa số khách hàng đều mua cả.

Theo giải trình của cán bộ tín dụng, do cán bộ tín dụng đã nói to và cứng nhắc, không tiếp thu đề nghị của khách hàng về việc sửa đổi một số điểm trong dự thảo hợp đồng nên khách hàng không hài lòng và chưa đồng ý ký hợp đồng tín dụng. BIDV TP.HCM đã kiểm điểm, khiển trách cán bộ này.

Đến nay, BIDV TP.HCM cũng đã gửi đến quý khách hàng Đặng Anh Quân giải trình như trên và lời xin lỗi chân thành về thái độ và cách thức tư vấn của cán bộ NH đã để khách hàng hiểu lầm về điều kiện bắt buộc hay khuyến khích khách hàng khi được NH cấp tín dụng.
YÊN TRANG ghi

ĐẶNG ANH QUÂN, TP.HCM
Theo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Những bí quyết giúp giới môi giới BĐS thành công

Vị trí và giá cả đối với một sản phẩm bất động sản luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả mọi thứ. Thành công trong việc bạn bán một sản phẩm bất động sản còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Và dưới đây là một số bí quyết giúp giới môi giới BĐS thành công.


Những bí quyết giúp giới môi giới BĐS thành công 
Yếu tố thời gian 
Hầu hết các chuyên gia bất động sản đều cho rằng, thời gian có một vai trò hết sức quan trọng trong việc môi giới bất động sản thành công. Trong một năm, thường sẽ có những khoảng thời gian người dân tập trung đi mua nhà nhiều nhất. Đối với các nước Á Đông, khoảng thời gian này thường là cuối năm, trước tết Nguyên Đán âm lịch.
Giới môi giới bất động sản nên nắm bắt khoảng thời gian này để tăng tốc, nhằm đạt mục tiêu doanh thu của mình.
Sử dụng các phương tiện truyền thông
Sử dụng các phương tiện thuyền thông cũng là một cách rất hữu hiệu giúp bạn có thể bán thành công các sản phẩm bất động sản của mình. Bạn nên dành thời gian và công sức để truyền bá sản phẩm của mình trên báo chí, các website, các trang mạng xã hội, các trang giao vặt để nhiều người có thể biết đến sản phẩm môi giới của mình cũng như lôi kéo khách hàng một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Hình ảnh
Qua khảo sát cho thấy, 9/10 người mua nhà bắt đầu việc tìm kiếm trực tuyến trên mạng Internet trước khi bắt đầu tìm hiểu thực tế về sản phẩm bất động sản mà họ muốn mua. Theo Zillow, và NAR ước tính rằng 45% mua kiểm tra ngôi nhà trên máy tính bảng hoặc điện thoại của họ.
Chính vì vậy, một bức ảnh về ngôi nhà có một vai rất quan trọng. Nếu nó lọt vào “mắt xanh” của một người mua nhà nào đó, nó sẽ quyết định rất lớn trong việc họ có đến xem ngôi nhà đó hay không.
Bạn hãy xem xét việc thuê một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hơn là việc dựa vào kỹ năng của riêng bản thân mình để chụp những bức ảnh về ngôi nhà mà mình muốn bán, đặc biệt là đối với những ngôi nhà đắt tiền.

Ngôn ngữ
Hãy cẩn thận những gì bạn viết về ngôi nhà của bạn. Nó có thể sẽ ảnh hưởng đến việc có bao nhiêu người mua quyết định đến thăm, và những gì họ sẵn sàng trả để mua ngôi nhà đó.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, thay vì chỉ giới thiệu về nó một cách đơn giản về diện tích, giá cả… như chúng ta vẫn thường làm, bạn hay làm một mảng liệt kê miêu tả chi tiết về ngôi nhà hay căn hộ mà bạn muốn bán. Hãy làm cho mọi người xem cảm thấy thích và có hứng thú đến xem ngôi nhà của bạn. Như vậy là bạn đã thành công một nửa trong việc bán hàng của mình.
Giá cả phải chăng
Khoảng một nửa số người bán hàng phải mất ít nhất một lần giảm giá. Chính vì vậy, thay vì đưa ra một mức giá quá cao gây mất thiện cảm với người mua nhà, bạn hay đưa ra một mức giá hợp lý, như vậy sẽ khiến cho sản phẩm bất động sản của bạn hấp dẫn khách hàng ngay từ lần đầu tiên.
Mai Hoa - (Theo CNBC)

Chưa đủ hành lang pháp lý cho nghề môi giới BĐS?

Hoạt động của các sàn môi giới bất động sản trong thời gian gần đây đã và đang tồn tại không ít những bất cập. Điều này cho thấy đã đến lúc các đơn vị quản lý cần có thêm chế tài điều chỉnh hoạt động của lĩnh vực ngành nghề này.


Ồ ạt lập mới 
Các sàn môi giới tăng mạnh về số lượng lập mới đầu năm 2015
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2015, bất động sản là lĩnh vực có số DN thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ năm 2014, mức tăng khoảng 89%, trong khi lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm chỉ tăng khoảng 55%. Tuy nhiên, số vốn đăng ký bình quân của một DN lại giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2014, đạt khoảng 5,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy đây đa phần là các nhà môi giới thành lập DN dịch vụ để đón đầu thanh khoản thị trường sôi động hơn.
Dù sàn môi giới tăng mạnh về số lượng, nhưng thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tỷ lệ giao dịch bất động sản qua sàn chỉ đạt chừng 15%. Rõ ràng sau một thời gian dài, sự phát triển của các sàn giao dịch bất động sản vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.

Liên tục nhiều năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam bị “gắn” mác kém minh bạch với tỷ lệ giao dịch ngầm tương đối cao, từ 70 - 80%. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thị trường chậm phát triển, bị thao túng bởi nạn đầu cơ, “làm giá”.
Đa số người mua nhà đất đều rất “đói” thông tin, nhất là với các dự án phát triển nhà ở, đô thị. Vì thế, để đến được với thửa đất, hay căn hộ phù hợp với nhu cầu sử dụng, rất ít người có thể tiếp cận với giá gốc. Tình trạng nộp tiền chênh lệch mua suất, tiền “phế” diễn ra phổ biến. Để khắc phục tình trạng này, tiến tới minh bạch hóa thị trường bất động sản, con đường duy nhất là hình 'thành hệ thống sàn giao dịch được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc các DN ồ ạt mở sàn giao dịch, môi giới nhà đất là dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường đang trên đà hồi phục. Theo ông Châu, ngoài hoạt động của giới kinh doanh, môi giới thì thị trường còn xuất hiện nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Ông đã tiếp xúc không ít người đã đầu tư vài ba chục căn hộ tại một dự án, chờ giá tăng để bán lại.

“Thêm nhiều công ty môi giới, nhà đầu tư thứ cấp “sống” lại sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt, qua đó góp phần đưa bất động sản đi dần về giá trị thực”, ông Châu kỳ vọng.

Theo Bộ Xây dựng, tại Hà Nội trong quý I/2015 đã có 4.250 giao dịch nhà đất thành công, trong khi tại TP. HCM, con số này là 3.950 giao dịch. Tổng cộng, số giao dịch bất động sản thành công trong quý I tại hai thành phố lớn đạt 8.200, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2014.

Việc các sàn mở ra ồ ạt cũng nhằm đón đầu làn sóng thanh khoản này. Hầu hết các đợt mở bán của chủ đầu tư thời gian qua đều xuất hiện “bóng dáng” của các sàn, thậm chí họ chính là “đạo diễn” cho các chuyến du Bắc, du Nam của một số dự án bất động sản lớn.
Nguy cơ BĐS bị thổi giá?

Thời gian qua, khi thị trường nóng cục bộ ở một số dự án, đã xuất hiện tình trạng thổi giá ăn tiền chênh, mạo nhận độc quyền phân phối của không ít nhà môi giới. Từ việc chủ đầu tư tự tay tăng giá bán nhà đến việc các sàn bất động sản, các môi giới tham gia “thổi” giá, “đẩy” giá… sẽ khiến thị trường bất động sản gặp nguy hiểm, có thể trở lại cảnh trầm lắng.
Các cụm từ “bán giá gốc”, “bán suất ngoại giao”… đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nhà đất thông qua các môi giới nhằm “câu” khách. Thậm chí, có dự án môi giới còn mập mờ khi có thêm “chiêu” không tính thuế VAT, phí bảo trì 2% vào giá căn hộ để có mức giá rao bán thấp hơn cả giá của chủ đầu tư.
Câu chuyện “giá chênh” xuất hiện trên thị trường thời gian gần đây không còn là chuyện lạ khi người mua nhà nắm được chiến thuật “bắt tay” giữa chủ đầu tư và các sàn bất động sản (BĐS). Chủ đầu tư thường giao hàng độc quyền cho một vài sàn BĐS và các đơn vị này với chức năng chính là môi giới sẽ làm “thủ thuật”, tạo sự khan hiếm ảo, khiến người mua khó tiếp cận. Còn chủ đầu tư, tuy còn “hàng” nhưng nếu người dân hỏi đến sẽ trả lời là “hết”. Một mặt là để cùng tạo khan hiếm giả, mặt khác, tiếp tay cho các sàn “đẩy” giá lên. Điều này khiến cho người mua nhà không biết được đâu là giá thực của căn hộ.
Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện tượng một số chủ đầu tư, nhà môi giới tìm cách tăng giá đột biến, tạo nên “sốt ảo” ở một số dự án, chạy theo lợi nhuận nhất thời sẽ đánh mất lòng tin của khách hàng, thể hiện sự chưa chuyên nghiệp của thị trường hiện nay và làm giảm tiến trình phục hồi thị trường BĐS.
Rõ ràng, hệ thống pháp luật đang thiếu một bộ chuẩn mực hành nghề kinh doanh dịch vụ bất động sản để áp dụng thống nhất dẫn tới sự vận động khập khiễng của thị trường, và gây mất niềm tin của người dân đối với sàn giao dịch bất động sản với vai trò là tổ chức tư vấn, trung gian môi giới trong giao dịch.

Mai Hoa - (Tổng hợp theop Báo Đầu tư BĐS, Infonet)