Năm 2014 có thể xem là một năm đầy biến động của thị trường bán lẻ. Hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mạil iên tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, yếu tố về hạ tầng thương mại, mặt bằng bán lẻ và sức mua chính là là ba nhân tố chính tác động đến sự hưng thịnh của các TTTM.
Những nguyên nhân khiến thị trường bán lẻ "chết dần"?
Theo khảo sát của công ty tư vấn CBRE Việt Nam, giá thuê trung tâm thương mại, bán lẻ khu vực nội đô Hà Nội đang có xu hướng giảm mạnh cùng với đà giảm giá của toàn thị trường so với nửa đầu năm 2014.Giá thuê trung bình của toàn thị trường bán lẻ tại Hà Nội trong quý 3/2014 đạt 37 USD/m 2 /tháng, giảm 5% so với quý trước. Giá thuê giảm 13,9% tại khu vực trung tâm và giảm 2% tại khu vực ngoài trung tâm.
Tỷ lệ trống của toàn thị trường trong Quý 3 là 18,7%, tăng 1,8% so với quý trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ trống của trung tâm thương mại tăng 2,7% so với quý trước, đạt 19,4%. Theo báo cáo của CBRE, thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, công suất cho thuê và giá thuê đều giảm, trong khi đó nguồn cung lại đang tăng mạnh.
Lý giải về điều này, Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Việc các TTTM đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh thời gian qua, đặc biệt tại phân khúc các TTTM cao cấp do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động.
Một là, hạ tầng thương mại hiện đại chỉ đang tập trung tại khu vực nội thành, mặc dù trong một số năm trở lại đây đã có sự phát triển của các siêu thị tại các huyện, thị trấn, nhưng số lượng không cao do sức mua bán đối với các loại hình này còn thấp nên các doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc đầu tư xây dựng, phát triển các siêu thị, TTTM tại địa bàn nông thôn.
Hai là, mặt bằng bán lẻ là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các nhà bán lẻ, Hà Nội trong năm 2014, tuy chứng kiến rất nhiều sự gia nhập thị trường bất động sản cho thuê mặt bằng kinh doanh thương mại nguồn cung dồi dào, nhưng thường lại tập trung vào mặt bằng bán lẻ trung và cao cấp, trong khi đại đa số các DN bán lẻ vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ luôn vất vả tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp với tình hình tài chính của mình. Việc thuê lại mặt bằng của các TTTM với giá thành cao vô tình đã đẩy giá cả hàng hóa trong các TTTM cao hơn mặt bằng chung so với các loại hình bán lẻ khác dẫn đến không hấp dẫn được đại đa số người tiêu dùng đến mua sắm.
Ba là, yếu tố sức mua. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến sức mua của đại đa số tầng lớp người tiêu dùng Việt Nam và Hà Nội, khả năng chi trả của người tiêu dùng thực tế trong thời gian vừa qua đã nói lên sức mua ảm đạm trong các TTTM, người tiêu dùng hiện nay có nhiều sự lựa chọn qua các kênh mua bán hàng hóa khác nhau (như mua hàng hóa online, đặt hàng trực tiếp từ trong và ngoài nước; qua các đại lý bán hàng nhà sản xuất hay tại các phố thương mại bán buôn, bán lẻ truyền thống lâu năm…), không nhất thiết phải vào trong các TTTM, do đó dẫn đến hàng loạt các TTTM chuyên các mặt hàng cao cấp, xa xỉ phẩm phải tái cơ cấu để tăng lượng hàng hóa bình dân phù hợp với đại đa số người tiêu dùng hoặc phải tạm ngừng hoạt động.
Trong khi thị trường bán lẻ vẫn chưa có những chuyển biến rõ rệt thì nguồn cung của thị trường lại đang tăng mạnh. Theo nghiên cứu của Savills, trong tương lai, sẽ có khoảng 1,9 triệu m2 diện tích bán lẻ gia nhập thị trường. Tuy vậy, 70% số dự án (67 dự án với 1,3 triệu m3) vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch hoặc bị trì hoãn. Dự kiến các dự án này sẽ gia nhập thị trường sau năm 2016. Còn ngày trong nửa cuối năm 2014 này, thị trường bán lẻ Hà Nội sẽ đón nhận 110.000 m2 sàn bán lẻ, 66% trong số đó đến từ các dự án lớn nhất tại quận Hà Đông, Ba Đình, Hai Bà Trưng.
Với một số lượng nguồn cung lớn như vậy, đặt trong bối cảnh thị trường bán lẻ vẫn chưa có những những dấu hiệu phục hồi như hiện nay, chắc chắn sẽ là một thách thức rất lớn đối với thị trường bán lẻ trong tương lai.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, Infonet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét