Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Thiết kế cửa sổ hợp phong thủy đón vận may Tết 2015

Cửa sổ là một phần rất quan trọng trong mỗi ngôi nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của gia chủ, chính vì thế cần thiết kế và sử dụng cửa sổ hợp với phong thủy.
Thiết kế cửa sổ hợp phong thủy đón vận may Tết 2015
Đặt cửa sổ ở hướng Đông được coi là mang lại nguồn năng lượng dương dồi dào, thu hút sự may mắn cho chủ nhân ngôi nhà - Ảnh minh họa.

Vị trí thiết kế cửa sổ rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến không gian phòng ở và có ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hòa không khí lưu thông trong phòng. Sẽ sai lầm khi bạn lựa chọn vị trí mở cửa sổ ở nơi yếm khí, thiếu ánh sáng và u ám, bởi như vậy là lãng phí không gian sống và bỏ qua tiện ích của cửa sổ.
Theo phong thủy, việc mở cửa sổ ở nơi thông thoáng còn mang đến vận khí tốt và những điều may mắn cho căn nhà.
Dưới đây là những gợi ý về cách thiết kế cửa sổ hợp phong thủy để đón vận may Tết 2015:
Xây cửa sổ có view đẹp
Việc xây dựng cửa sổ hướng ra con sông, bờ hồ, đồng cỏ, hàng cây… sẽ mang lại nhiều lợi ích cho những người sống trong nhà. Hướng nhìn đẹp từ cửa sổ có thể mang đến cho bạn cảm giác thư thái, thoải mái sau những giây phút làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Đặt cửa sổ ở hướng Đông được coi là mang lại nguồn năng lượng dương dồi dào, thu hút sự may mắn cho chủ nhân ngôi nhà.
Tránh xây cửa sổ đối diện với cửa ra vào
Đây là một điều cấm kỵ bởi nó sẽ khiến vận may, tiền tài của gia chủ tiêu tan vì các nguồn năng lượng ngũ hành từ cửa ra vào bị hút ra ngoài bằng cửa sổ theo một đường thẳng. Để khắc phục điểm này, có thể treo một tấm rèm (ở phòng ngủ) hoặc đặt một chậu cây cảnh (ở phòng khách hoặc văn phòng) để vượng khí được lưu lại trong căn phòng.
Dù cho để hóa giải thế cửa xấu, đảm bảo tính thẩm mỹ, sự riêng tư trong nhà hay cản nắng và bụi bẩn, rèm cửa sổ luôn được xem là vật không thể thiếu. Rèm cửa chia ra theo nhiều chất liệu: vải lụa, trúc, nhựa… Ngoài ra, còn có thể chia ra thành rèm kéo trái phải, rèm cuốn lên xuống…
Nếu cửa sổ đón ánh nắng trực tiếp thì nên chọn loại rèm có chất liệu hơi dày và màu đậm; nếu không thì nên dùng loại vải may rèm có chất liệu mỏng và màu nhạt hơn.
Số lượng cửa sổ vừa đủ
Cửa sổ giúp lưu thông khí vận trong nhà và nhờ đó, gia chủ có thể nhận được nhiều vận may. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều cửa sổ sẽ khiến cho khí vận trong nhà mất ổn định, cuộc sống gia đình dễ bất hòa. Ngược lại, nếu cửa sổ quá ít thì nhà không thể thải khí cũ nạp khí mới, khiến gia chủ dễ sinh bệnh. Số lượng cửa thích hợp tùy thuộc kích thước ngôi nhà (thường là 4 cửa).
Màu sắc hài hòa
Màu khung cửa sổ không cùng màu với tường nhà sẽ làm nổi bật cảnh trí bên ngoài thông qua cửa sổ, giúp mang đến sức sống cho gia chủ. Tuy nhiên, nếu có thể chọn màu sắc theo vị trí bố trí cửa sổ thì càng có lợi hơn.
- Cửa sổ hướng về phía Đông thích hợp với màu vàng, màu nâu
- Cửa sổ hướng về phía Đông Nam thích hợp với màu đen, màu nâu
- Cửa sổ hướng về phía Nam thích hợp với màu trắng, màu bạc
- Cửa sổ hướng về phía Tây Nam hoặc Đông Bắc thích hợp với màu đen, màu xanh lam.
- Cửa sổ hướng về phía Tây hoặc Tây Bắc thích hợp với màu lục và màu xanh da trời.
- Cửa sổ hướng về phía Bắc thích hợp với màu đỏ, màu hồng.
Kích thước thích hợp
Cửa sổ quá lớn cũng dễ dẫn đến sự mất cân đối trong việc đón nhận khí vận trong ngoài, khiến quan hệ gia đình bất hòa. Ngoài ra, cửa sổ quá lớn, mùa hè ánh nắng mặt trời chiều vào gay gắt, hơi nóng cũng mạnh hơn, mùa đông không khí ấm áp trong nhà lại dễ thất thoát ra ngoài, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe gia chủ. Vì vậy, cửa sổ không nên quá lớn cũng không nên quá nhỏ mà phải có kích thước tương thích với căn phòng, tổng thể ngôi nhà.
Không nên đặt giường ngay phía dưới cửa sổ
Theo phong thủy, kê giường dưới cửa sổ, đặc biệt là phần đầu giường kê sát vào cửa sổ thì không tốt cho sức khỏe. Ban đêm là lúc cơ thể con người cần được bù lại năng lượng và được bảo vệ để tái tạo sinh lực. Do đó, thành đầu giường cần phải chắc chắn, phía sau đầu giường cũng phải có bức tường vững chắc. Nếu ngủ ngay dưới cửa sổ, bạn sẽ không có sự hỗ trợ cũng như bảo vệ nào.
Cửa sổ là nơi có luồng khí và luồng ánh sáng mạnh nhất, có ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ. Nếu bắt buộc kê ở vị trí này, bạn hãy dùng rèm cửa dày để che bớt ánh sáng và nguồn khí lớn. Ban đêm, bạn nên đóng cửa kín lại để có giấc ngủ sâu và an lành.
Giữ cửa sổ luôn sạch sẽ
Cửa sổ được xem là đôi mắt của ngôi nhà, là nơi kết nối không gian bên trong nhà với thế giới bên ngoài. Cửa sổ có sạch sẽ thì gia chủ mới có thể nhìn ngắm và đón nhận những khí vận trong lành từ bên ngoài. Vì vậy, hãy thường xuyên lau chùi cũng như thay mới những bản lề bị gỉ sét hay cửa kính nứt vỡ để tạo sinh khí cho ngôi nhà.
Nếu nhà bạn có cây to gần cửa sổ, hãy thường xuyên cắt tỉa để cây không che khuất ánh sáng và khí vận đi vào phòng qua cửa sổ. Ánh sáng tự nhiên là điều rất cần trong mọi ngôi nhà, giúp gia chủ cân bằng năng lượng.
Đoan Trang (Báo Xây dựng)

Tỷ phú Singapore mua một nửa công ty địa ốc của Bầu Đức

Rowsley - công ty đầu tư bất động sản do tỷ phú Peter Lim đồng sở hữu dự kiến rót 275 triệu USD vào Hoang Anh Gia Lai Land, tương đương với 50% cổ phần.

myanmar-110-39-32-000000-2440-1423712472
HAGL Myanmar Centre là một trong những dự án phức hợp lớn nhất Myanmar.
Theo thông tin được nhật báo Strait Times của Singapore phát đi ngày 12/2, Rowsley - công ty đầu tư bất động sản của tỷ phú Peter Lim vừa đạt thỏa thuận đầu tư 275 triệu USD để lấy 50% cổ phần công ty đang sở hữu HAGL Myanmar Centre - một trong những dự án tích hợp lớn nhất Myanmar.
Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - Đoàn Nguyên Đức cũng xác nhận thông tin này, đồng thời cho biết doanh nghiệp nêu trên là Hoàng Anh Gia Lai Land - một công ty trong tập đoàn.
"Bản chất câu chuyện là Rowsley Ltd quyết định rót 275 triệu USD vào Công ty HAGL Land, định giá ứng với 50% cổ phần. Tuy nhiên, HAGL Land đang quản lý và sở hữu nhiều dự án địa ốc chiến lược cả trong và ngoài nước, chứ không riêng gì dự án tại Myanmar".
Ông Đức giải thích thêm, đối tác Singapore sẽ chuyển số tiền 275 triệu USD về Việt Nam, nơi HAGL Land đặt trụ sở, chứ không phải Myanmar. Đối tác mới sẽ cùng đồng hành với HAGL Land phát triển và kinh doanh khu phức hợp tại Yangon (Myanmar).
Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam cho hay, lý do ông bán 50% cổ phần HAGL Land cho đối tác Singapore vì Công ty Rowsley có kinh nghiệm và thế mạnh trong việc khai thác, kinh doanh bất động sản ở thị trường khu vực. Hiện nay giai đoạn một của dự án Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre đã bước vào công đoạn hoàn thiện. Dự kiến tháng 5/2015 sẽ khánh thành.
Khu phức hợp của HAGL được đầu tư xây dựng với tổng số vốn 550 triệu USD, trên diện tích 8,2 ha có vị trí đắc địa tại trung tâm Yangon, Myanmar, được đầu tư theo hình thức BOT thời gian 60 năm, chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn một gồm 81.000 m2 văn phòng cho thuê, 39.000 m2 trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao 400 phòng. Giai đoạn 2 của dự án sẽ có 2 tòa nhà cao tầng với 94.000 m2 văn phòng và hơn 1.000 căn hộ kèm theo nhiều tiện ích. Giai đoạn 2 của dự án được dự kiến khởi công sau khi giai đoạn một đi vào hoạt động.
Dự án được tài trợ vốn bởi 3 ngân hàng lớn của Việt Nam: BIDV, Eximbank và Sacombank. Ba nhà băng này cam kết giải ngân cho dự án 220 triệu USD theo tiến độ.
Trong khi đó, Peter Lim năm nay 61 tuổi, là tỷ phú đầu tư nổi tiếng của Singapore. Peter Lim có bằng kế toán tại Đại học Western Australia, ban đầu làm môi giới chứng khoán và đến năm 1996 thì chuyển hẳn sang đầu tư. Theo Forbes, ông hiện có số tài sản 2 tỷ USD và là người giàu thứ 6 quốc đảo này.
Vũ Lê - Hà Thu

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

3 Nguyên nhân khiến thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ "chết dần"?

Năm 2014 có thể xem là một năm đầy biến động của thị trường bán lẻ. Hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mạil iên tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, yếu tố về hạ tầng thương mại, mặt bằng bán lẻ và sức mua chính là là ba nhân tố chính tác động đến sự hưng thịnh của các TTTM.


Những nguyên nhân khiến thị trường bán lẻ "chết dần"?
Theo khảo sát của công ty tư vấn CBRE Việt Nam, giá thuê trung tâm thương mại, bán lẻ khu vực nội đô Hà Nội đang có xu hướng giảm mạnh cùng với đà giảm giá của toàn thị trường so với nửa đầu năm 2014.Giá thuê trung bình của toàn thị trường bán lẻ tại Hà Nội trong quý 3/2014 đạt 37 USD/m 2 /tháng, giảm 5% so với quý trước. Giá thuê giảm 13,9% tại khu vực trung tâm và giảm 2% tại khu vực ngoài trung tâm. 
Tỷ lệ trống của toàn thị trường trong Quý 3 là 18,7%, tăng 1,8% so với quý trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ trống của trung tâm thương mại tăng 2,7% so với quý trước, đạt 19,4%. Theo báo cáo của CBRE, thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, công suất cho thuê và giá thuê đều giảm, trong khi đó nguồn cung lại đang tăng mạnh.
Lý giải về điều này, Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Việc các TTTM đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh thời gian qua, đặc biệt tại phân khúc các TTTM cao cấp do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động.
Một là, hạ tầng thương mại hiện đại chỉ đang tập trung tại khu vực nội thành, mặc dù trong một số năm trở lại đây đã có sự phát triển của các siêu thị tại các huyện, thị trấn, nhưng số lượng không cao do sức mua bán đối với các loại hình này còn thấp nên các doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc đầu tư xây dựng, phát triển các siêu thị, TTTM tại địa bàn nông thôn.
Hai là, mặt bằng bán lẻ là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các nhà bán lẻ, Hà Nội trong năm 2014, tuy chứng kiến rất nhiều sự gia nhập thị trường bất động sản cho thuê mặt bằng kinh doanh thương mại nguồn cung dồi dào, nhưng thường lại tập trung vào mặt bằng bán lẻ trung và cao cấp, trong khi đại đa số các DN bán lẻ vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ luôn vất vả tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp với tình hình tài chính của mình. Việc thuê lại mặt bằng của các TTTM với giá thành cao vô tình đã đẩy giá cả hàng hóa trong các TTTM cao hơn mặt bằng chung so với các loại hình bán lẻ khác dẫn đến không hấp dẫn được đại đa số người tiêu dùng đến mua sắm.
Ba là, yếu tố sức mua. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến sức mua của đại đa số tầng lớp người tiêu dùng Việt Nam và Hà Nội, khả năng chi trả của người tiêu dùng thực tế trong thời gian vừa qua đã nói lên sức mua ảm đạm trong các TTTM, người tiêu dùng hiện nay có nhiều sự lựa chọn qua các kênh mua bán hàng hóa khác nhau (như mua hàng hóa online, đặt hàng trực tiếp từ trong và ngoài nước; qua các đại lý bán hàng nhà sản xuất hay tại các phố thương mại bán buôn, bán lẻ truyền thống lâu năm…), không nhất thiết phải vào trong các TTTM, do đó dẫn đến hàng loạt các TTTM chuyên các mặt hàng cao cấp, xa xỉ phẩm phải tái cơ cấu để tăng lượng hàng hóa bình dân phù hợp với đại đa số người tiêu dùng hoặc phải tạm ngừng hoạt động.
Trong khi thị trường bán lẻ vẫn chưa có những chuyển biến rõ rệt thì nguồn cung của thị trường lại đang tăng mạnh. Theo nghiên cứu của Savills, trong tương lai, sẽ có khoảng 1,9 triệu m2 diện tích bán lẻ gia nhập thị trường. Tuy vậy, 70% số dự án (67 dự án với 1,3 triệu m3) vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch hoặc bị trì hoãn. Dự kiến các dự án này sẽ gia nhập thị trường sau năm 2016. Còn ngày trong nửa cuối năm 2014 này, thị trường bán lẻ Hà Nội sẽ đón nhận 110.000 m2 sàn bán lẻ, 66% trong số đó đến từ các dự án lớn nhất tại quận Hà Đông, Ba Đình, Hai Bà Trưng.
Với một số lượng nguồn cung lớn như vậy, đặt trong bối cảnh thị trường bán lẻ vẫn chưa có những những dấu hiệu phục hồi như hiện nay, chắc chắn sẽ là một thách thức rất lớn đối với thị trường bán lẻ trong tương lai.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, Infonet)

Phải 3 năm nữa thị trường BĐS mới phát triển ổn định - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Đó là ý kiến của ông Lê Xuân Nghĩa TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC). Theo đó, ông Nghĩa cho rằng dù có nhiều yếu tốt thuận lợi nhưng BĐS vẫn còn nhiều khó khăn. Chưa thể khẳng định thị trường có thể hồi phục hoàn toàn trong năm 2015 mà khả năng đến năm 2018 mới trở lại hoàn toàn bình thường, giá cả ổn định.


Phải 3 năm nữa thị trường BĐS mới phát triển ổn định
Đa số các công ty kinh doanh bất động sản đều thừa nhận, năm 2014 kết quả kinh doanh đã vượt chỉ tiêu đề ra. Một số "ông lớn" trong ngành tỏ ra rất tự tin khi công bố kết quả kinh doanh của đơn vị mình. Đơn cử, Công ty Novaland trong năm 2014 đã bán ra được hơn 3.000 sản phẩm chỉ riêng thị trường Tp.HCM, gấp ba số lượng năm 2013. Ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc của đơn vị này còn cho biết, trong năm qua, có khoảng 30.000 lượt khách hàng tìm hiểu thông tin dự án tại sàn giao dịch của công ty. 
Theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như những sự kiện chào bán rầm rộ gần đây cho thấy, thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhiều giao dịch thành công cho thấy cung - cầu thị trường đã được điều chỉnh phù hợp hơn. Đồng thời, lãi suất vay mua nhà giảm và tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ được cải thiện rõ rệt giúp khơi thông thị trường BĐS.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, so với đầu năm 2013, lượng giao dịch BĐS liên tục gia tăng. Đặc biệt, trong năm 2014, tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM lượng giao dịch tăng gấp đôi. Một dấu hiệu khác cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường, đó là, dòng tiền của các ngân hàng hướng vào thị trường đang mạnh trở lại. Dòng tiền của người dân và các DN đầu tư nước ngoài (FDI) vào các dự án cũng tăng. Những dấu hiệu này còn cho thấy một "niềm vui" khác, đó là người tiêu dùng đã có niềm tin trở lại đối với thị trường BĐS.

Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, đến thời điểm hiện tại đã tiêu thụ được 8.208 căn hộ trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho tính từ cuối năm 2012 (chiếm gần 57%). Trong đó, riêng năm 2014 giải quyết được 3.131 căn. Với các dự án mới, tính chung trong năm 2014 có khoảng gần 8.400 căn hộ được chào bán, tăng 227% so với năm trước (năm 2013 có khoảng gần 3.700 căn hộ được chào bán), trong đó có khoảng 50-70% căn hộ được đặt mua.
Hiện tại, các doanh nghiệp đều tỏ ra khá lạc quan về tình hình thị trường BĐS năm 2015. Tuy nhiên theo ông Lê Xuân Nghĩa, dù có nhiều yếu tốt thuận lợi nhưng BĐS vẫn còn nhiều khó khăn. Chưa thể khẳng định thị trường có thể hồi phục hoàn toàn trong năm 2015 mà khả năng đến năm 2018 mới trở lại hoàn toàn bình thường, giá cả ổn định. Để BĐS phát triển bền vững thì Bộ Xây dựng phải quan tâm đến vấn đề thể chế và thủ tục hành chính, bởi đó là lực cản lớn nhất của thị trường hiện nay.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức cũng cho rằng, năm 2014 đã kết thúc chu kỳ đi xuống của BĐS. Tuy nhiên, những tín hiệu tốt của thị trường như giá cả không tiếp tục đi xuống, lãi suất giảm… chỉ mới là bề nổi, trong khi đó tồn kho, nợ xấu- khó khăn rất lớn của BĐS vẫn chưa thực sự được giải quyết. Ông Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp không nên chủ quan mà phải tiếp tục nỗ lực vượt lên giải quyết những khó khăn của mình để tiếp tục vượt qua những khó khăn còn tiếp diễn trong năm 2015.
Không chỉ hàng tồn kho BĐS, mà theo bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, nguồn cung mà các doanh nghiệp đang tung ra cũng là điều rất lo ngại. Nhất là khi con số chính xác về hàng tồn kho thì chưa đơn vị, cơ quan nào khẳng định được. Do đó nếu các doanh nghiệp vẫn tiếp tục ồ ạt bung hàng thì tương lai dư cung là điều chắc chắn. Do vậy, theo bà Loan, Sở Xây dựng cần thống kê số lượng dự án, tiến độ thực hiện thật chính xác để DN và người dân tham khảo, tránh rơi vào tình trạng cung vượt cầu khiến thị trường lại đi vào "vết xe đổ" như trước đây.
Việc Luật Đất đai và các nghị định của Chính phủ có hiệu lực đã tạo ra khung pháp lý tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển tích cực hơn trong thời gian tới. Việc thu hẹp diện tích đất Nhà nước trực tiếp thu hồi giao cho nhà đầu tư đã tạo cơ hội cho người nhận đất và người giao đất trực tiếp thỏa thuận giá chuyển nhượng hoặc giá cho thuê đất, trên cơ sở khung giá đất vừa được ban hành đã tạo ra một kênh mạnh của thị trường BĐS. 
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Hà Nội Mới, Thanh niên)